Kinh tế: Nới lỏng Định lượng là gì?
Các chính phủ và ngân hàng trung ương muốn có được tăng trưởng "vừa đủ" trong một nền kinh tế - không quá nhanh có thể dẫn đến lạm phát và vượt ra khỏi tầm kiểm soát, nhưng không quá chậm khiến gây trì trệ. Mục đích là đạt được cái gọi là "nền kinh tế Goldilocks" - không quá nóng, nhưng không quá lạnh.
Một trong những công cụ chính để họ kiểm soát tốc độ tăng trưởng là tăng hoặc hạ lãi suất. Hạ lãi suất khuyến khích người dân hoặc công ty tiêu tiền, thay vì tiết kiệm.
Nhưng khi lãi suất ở mức gần bằng không, các ngân hàng trung ương cần phải áp dụng chiến thuật khác nhau - chẳng hạn như bơm tiền trực tiếp vào hệ thống tài chính.
Quá trình này được gọi là nới lỏng định lượng (trong tiếng anh viết tắt là QE, quantitative easing)
Cơ chế hoạt động của QE
Các ngân hàng trung ương sẽ mua tài sản, thường là trái phiếu chính phủ, với tiền họ "in" - hay chính xác hơn là tiền điện tử.
Sau đó họ sử dụng số tiền này để mua trái phiếu từ các nhà đầu tư như các ngân hàng hay quỹ hưu trí. Điều này làm tăng tổng số tiền của các quỹ trong hệ thống tài chính. Tạo ra nhiều tiền có sẵn cốt để khuyến khích các tổ chức tài chính cho các doanh nghiệp và cá nhân vay nhiều hơn.
Làm như vậy cũng có thể đẩy lãi suất thấp hơn nữa trên toàn nền kinh tế, ngay cả khi lãi suất của các ngân hàng trung ương chỉ thấp được đến mức như vậy.
Bước đi này đổi lại sẽ cho phép các doanh nghiệp đầu tư và người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn, tạo cú hích dây chuyền cho nền kinh tế.
Rủi ro QE là gì?
Mối quan tâm lớn nhất là bơm thêm tiền vào nền kinh tế để rốt cùng có thể dẫn đến có lạm phát.
Khi lạm phát là gần bằng không, như ở Anh và khu vực dùng đồng euro vào lúc này, việc có áp lực nhiều hơn một chút về giá có thể được xem là tốt. Nhưng một số chính khách và kinh tế gia đã phản đối ý tưởng nới lỏng định lượng về nguyên tắc, bởi họ tin rằng về lâu dài có nguy cơ tạo ra lạm phát quá nhiều.
Những người khác cho rằng việc in thêm tiền thêm chỉ có tác dụng đẩy giá một số tài sản như cổ phiếu và bất động sản ở một số nước.
Nước nào đã thử QE?
Cả Ngân hàng Trung ương Anh và Hoa Kỳ đã áp dụng giải pháp nới lỏng định lượng sau khi có khủng hoảng tài chính năm 2008 nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế.
Giữa năm 2008 và năm 2015, Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ mua trái phiếu có tổng trị giá hơn 3,7 nghìn tỷ USD.
Anh tạo ra 375 tỷ bảng (550 tỷ USD) tiền mới trong chương trình nới lỏng định lượng của mình từ năm 2009 đến năm 2012.
Và rồi vào tháng Tám năm 2016, Ngân hàng Trung ương Anh cho biết sẽ mua 60 tỷ bảng trái phiếu chính phủ Anh và 10 tỷ bảng trái phiếu doanh nghiệp, trong bối cảnh bất trắc về quá trình Anh rời EU (Brexit) cũng như các lo ngại về năng suất và tăng trưởng kinh tế.
Khu vực dùng đồng euro đã bắt đầu chương trình nới lỏng định lượng trong tháng 1 năm 2015 và đến nay đã bơm thêm 600 tỷ USD vào nền kinh tế khu vực này. Ban đầu chương trình được thiết lập để thực hiện cho đến tháng Chín năm 2016, nhưng rồi đã được gia hạn đến ít nhất là tháng Ba năm 2017.
QE có cho kết quả?
Hiệu quả của Nới lỏng Định lượng là chủ đề gây nhiều tranh cãi và khó đo lường. Trong vài năm qua, nền kinh tế Hoa Kỳ đã ổn định và tỷ lệ thất nghiệp đã giảm đều đặn. Một số người nói là nhờ nới lỏng định lượng nên kinh tế, ít nhất là một phần.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi cho biết trong tháng Sáu năm 2015 rằng chính sách này đã "góp phần làm giảm áp lực tài chính trên diện rộng, tạo sự phục hồi về kỳ vọng lạm phát và điều kiện vay vốn thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp và hộ gia đình".
Tại Anh, nới lỏng định lượng đã được áp dụng vì lý do tương tự và người ta lập luận rằng việc áp dụng nới lỏng định lượng vào năm 2009 đã giúp cho hoạt động tín dụng và ổn định tài chính vè tổng thể.
Nơi nào thua thiệt vì QE?
Nới lỏng định lượng kéo theo sự tăng giá trái phiếu chính phủ và làm giảm lợi tức trái phiếu phải trả cho các nhà đầu tư. Nói cách khác, nhà đầu tư phải trả thêm tiền để có được thu nhập tương tự.
Nếu lãi suất thị trường thấp thì nó sẽ làm hạ giá trị đồng tiền bởi các nhà đầu tư nước ngoài thấy kém hấp dẫn hơn.
Chương trình nới lỏng định lượng của Hoa Kỳ cũng giữ giá trị của đồng đô la thấp hơn giá trị của nó đáng có, một yếu tố không được hoan nghênh ở một số nền kinh tế mới nổi. Vì chương trình nới lỏng định lượng tại Hoa Kỳ kết thúc và với triển vọng lãi suất tại Mỹ tăng lên, đồng đô la đã lấy lại được giá trị của nó.
Social Plugin