TQ xây nhà để máy bay ở Biển Đông

TQ xây nhà để máy bay ở Biển Đông

Hình chụp từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã xây nhà để máy bay kiên cố trên các đảo tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Hãng tin Reuters dẫn nguồn tổ chức nghiên cứu độc lập CSIS ở Washington nói các hình ảnh vệ tinh chụp hồi tháng 07/2016 cho thấy các nhà để máy bay được xây trên đảo Đá Chữ Thập, Subi và Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa.
Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế phân tích, chưa có chứng cứ “cho thấy Bắc Kinh triển khai phi cơ quân sự tới những tiền đồn này. Nhưng việc nhanh chóng xây dựng các nhà để máy bay gia cố ở cả ba địa điểm là chỉ dấu cho thấy điều này có thể sẽ thay đổi”.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với đa số khu vực ở Biển Đông. Tuy nhiên hồi tháng Bảy, tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đưa ra phán quyết rằng tuyên bố của Bắc Kinh không có cơ sở, sau khi Philippines khởi kiện nước này về yêu sách ‘Đường Chín đoạn’.
Các nhà để máy bay trên ba đảo ở Trường Sa cho thấy cấu trúc đã được củng cố.
“Chúng dày hơn nhiều so với [những cấu trúc] được xây cho mục đích dân dụng,” theo Gregory Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) nói với New York Times.
“Chúng được gia cố để có thể tiếp nhận tấn công,” ông được dẫn lời nói.

Chiến đấu cơ

Image copyrightXINHUA
Image captionĐảo Đá Chữ Thập có đường băng quy mô
Các cơ sở khác gồm các tòa tháp chưa được nhận diện rõ và cấu trúc lục giác cũng được xây dựng trên các đảo nhỏ trong thời gian gần đây.
Trang Philstar.com của Philippines đưa tin, nhà để máy bay nhỏ nhất có thể chứa bất kỳ chiến đấu cơ nào của quân đội Trung Quốc, trong khi nhà để máy bay cỡ trung có thể chứa máy bay thả bom, máy bay tiếp nhiên liệu, máy bay dân dụng và một máy bay Kiểm soát và Cảnh báo trên không.
“Nhà để máy bay lớn nhất có thể chứa được phi cơ lớn nhất trong đội hình PLAAF [Không quân Trung Quốc] – máy bay vận tải Y-20 và II-76, máy bay tiếp nhiên liệu II-78, và máy bay giám sát KJ-2000,” bài báo dẫn báo cáo của AMTI.
Các hình ảnh vệ tinh được đưa ra sau phán quyết của PCA chỉ một tháng. Bắc Kinh tuyên bố không chấp nhận phán quyết này và khẳng định có chủ quyền “không thể tranh cãi” ở quần đảo Trường Sa và vùng nước xung quanh đó.
Việt Nam, Philippines, Malaysia, Đài Loan và Brunei cũng tuyên bố chủ quyền đối với nhiều khu vực trên Biển Đông.
Hoa Kỳ thúc giục Trung Quốc và các bên liên quan không quân sự hóa Biển Đông, tuy nhiên Trung Quốc phủ nhận điều này và ngược lại cũng chỉ trích các hoạt động tập trận và tuần tra trên biển của Hoa Kỳ trong khu vực.
Hôm 04/08, Bộ Ngoại giao Việt Nam đưa ra phản hồi hai ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc được Tân Hoa Xã dẫn lời kêu gọi người dân Trung Quốc chuẩn bị "chiến tranh nhân dân ngoài biển" để đối phó đe dọa an ninh và bảo vệ chủ quyền.
Người Phát ngôn Ngoại giao Lê Hải Bình nói trong cuộc họp báo rằng, "quan chức của các nước cần phát biểu và hành động một cách phù hợp với các tuyên bố chính thức cũng như nghĩa vụ của quốc gia mình là tôn trọng luật pháp quốc tế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định của khu vực cũng như trên thế giới".