TQ 'từ chối' tàu Việt Nam tránh bão

TQ 'từ chối' tàu Việt Nam tránh bão

Ủy ban Quốc gia Kìm kiếm cứu nạn Việt Nam nói Trung Quốc không cho sáu tàu cá Việt Nam vào Hoàng Sa Tránh bão, báo tại Việt Nam tường thuật.
Hôm 12/8, sáu tàu cá từ tỉnh Quảng Nam với 259 người đánh cá khi ở gần Đá Bông Bay (thuộc quần đảo Hoàng Sa) thì bị thời tiết xấu và sóng lớn nên đề nghị vào trú bão tại đảo này.
Tuy nhiên, phía Trung Quốc thông báo “khu vực đảo Bông Bay, quần đảo Hoàng Sa không thích hợp để tránh trú, đề nghị sáu tàu Việt Nam quay trở về”, báoThanh Niên tại Việt Nam tường thuật.
Trả lời BBC Tiếng Việt về sự việc, Tiến sỹ Trần Công Trục – Nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ của Việt Nam nhận định việc xin trú bão là “thông lệ quốc tế và theo truyền thống của người đi biển giúp đỡ lẫn nhau thì rõ ràng là không thể có sự từ chối”.
Tiến sỹ Trục nhận định: “Từ chối như vậy là sự đối xử vô nhân đạo, không ai chấp nhận được. Vì rõ ràng là sinh mạng con người, và nhất là người đi trên biển, cần phải được cứu vớt và những người đã bị cấp cứu, đã xin vào mà không cho phép thì đó là hành động không thể chấp nhận được.”
“Khi bão nổi lên, có cơ quan khí tượng chuyên trách thông báo rồi để họ có thể về nơi trú ẩn.
"Nhưng sẽ có những trường hợp không kịp được thì họ phải tìm mọi cách vào bất cứ nơi nào, kể cả nơi ấy có thuộc chủ quyền của quốc gia khác hay chăng nữa thì người ta vẫn bật tín hiệu S.O.S để cấp cứu.
“Đó là điều bình thường và rất chính đáng của người hoạt động trên biển.
"Cho nên vừa rồi việc Trung Quốc từ chối đã thể hiện thái độ không phù hợp với thông lệ quốc tế, vừa không phù hợp với mối quan hệ mà họ luôn nói rằng muốn quan hệ hữu nghị với Việt nam và muốn giúp đỡ Việt Nam, đặc biệt là người dân Việt Nam làm ăn sinh sống trên biển. Đây là điều trái với những gì họ từng nói,” Tiến sỹ Trục bình luận.

"Chủ nhân quần đảo"

Về việc ngư dân Việt Nam vẫn ra đánh bắt tại các khu vực biển có tranh chấp gần Đá Bông Bay, ông Trục nói: “Ngư dân Việt Nam ở các tỉnh miền Trung vẫn thường xuyên ra các khu vực đánh cá của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa. Đó là hoàn toàn hợp pháp.
Image copyrightGOOGLE MAPS
Image captionĐá Bông Bay là một đảo san hô ở Hoàng Sa
"Đặc biệt là đó là nơi từ bao đời nay ngư dân Việt Nam vẫn đến đấy làm ăn và khai thác vì mưu sinh của họ. Đồng thời là thể hiện vai trò chủ nhân ở quần đảo đó. Đó là mặt pháp lý và lịch sử như vậy.”
Nhà nghiên cứu này cũng cho biết Việt Nam “đầu tư rất nhiều cho ngư dân đóng được tàu đủ sức chịu được những cơn sóng gió ngoài biển”.
Theo thông tin từ Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đêm ngày 15/8 và sáng 16/8 tại Hoàng Sa sẽ có “Gió tây nam cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, biển động. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy.”
Sáu tàu cá Quảng Nam trong vụ việc sau đó phải dừng lại ở khu vực cách Đá Bông Bay “5 hải lý” và “tự bảo đảm an toàn” theo báo Lao Động dẫn lời Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn.
Đá Bông Bay là một đảo san hô nằm gần sáu đảo khác trong khu vực Quần đảo Hoàng Sa.
Khác với Trường Sa là nơi nhiều quốc gia tham gia tranh chấp, quần đảo Hoàng Sa chỉ có hai nước tuyên bố chủ quyền là Trung Quốc và Việt Nam, tuy nằm hoàn toàn dưới kiểm soát của Trung Quốc.
Trung Quốc đã tiến hành nhiều hoạt động cải tạo đảo, xây dựng căn cứ trực thăng và bồi đắp các đảo ở khu vực này.