Kêu gọi thả nhà báo 'ủng hộ phe đối lập'
Một số nhóm tự do báo chí gửi thư kêu gọi Bangladesh trả tự do cho một nhà báo nổi tiếng bị giam từ tháng 4/2016.
Shafik Rehman, 81 tuổi, quốc tịch Anh và Bangladesh, bị bắt sau khi cảnh sát cho rằng ông liên can đến một âm mưu sát hại con trai Thủ tướng Sheikh Hasina.
Gia đình ông phủ nhận cáo buộc, trong khi những người ủng hộ ông mô tả việc bắt giữ có động cơ chính trị.
Ông Rehman là biên tập viên ủng hộ phe đối lập thứ ba bị bắt giam từ năm 2013.
Ông là biên tập viên kỳ cựu của Jai Jai Din, nhật báo có lượng phát hành lớn, và tại thời điểm bị bắt, ông còn biên tập nguyệt san Mouchake Dhil.
Ông cũng là nhà tư vấn cho lãnh đạo đối lập Khaleda Zia, đối thủ của thủ tướng.
Ông Rehman đã bị giam từ hôm 16/4 vì tội nổi loạn, điều mà gia đình ông lên án là "hoàn toàn lố bịch".
Cảnh sát Bangladesh vẫn chưa trình báo cáo điều tra nêu rõ cáo buộc chống lại ông.
'Lý do nhân đạo'
"Sự trì hoãn cho thấy không có bằng chứng chống lại ông Rehman và rằng ông nên được trả tự do," 26 nhóm nhân quyền cho biết trong lá thư chung gửi chính phủ Bangladesh.
"Ông Rehman là một nhà báo chuyên nghiệp đã dành cả đời cống hiến cho tự do ngôn luận. Chúng tôi lo ngại rằng vụ bắt giữ ông là biểu hiện cuộc tấn công vào quyền tự do báo chí và là một phần của xu hướng đáng quan ngại ở Bangladesh", bức thư viết.
Đề cập đến độ tuổi của ông, bức thư nói rằng có "lý do nhân đạo để cho ông Rehman tại ngoại hầu tra, trong khi bất kỳ chứng cứ (nếu có) được thu thập mà không gây nguy hiểm cho sức khỏe của ông".
Các nhóm tự do báo chí và nhân quyền gồm tổ chức Phóng viên Không Biên giới và Liên đoàn Nhà báo Quốc tế ký vào thư.
Nadeem Qadir, Bộ trưởng báo chí tại Cao ủy Bangladesh ở London, phủ nhận quyền tự do báo chí ở Bangladesh bị đe dọa.
"Cảnh sát cần nhiều thời gian để điều tra vụ này", nhất là một trường hợp rất nhạy cảm như ông Rehman", ông nói thêm.
Những trường hợp bị cáo buộc hoạt động chống nhà nước thì không được tại ngoại hầu tra", ông nói.
Các nhóm nhân quyền cũng nêu ra những lo ngại về tự do báo chí ở Bangladesh hồi đầu năm nay, khi Mahfuz Anam, biên tập viên tờ Daily Star, bị buộc tội phản quốc vì cáo buộc Sheikh Hasina tham nhũng năm 2007, thời điểm nước này do chính quyền quân đội nắm giữ
Social Plugin