Đưa ảnh lên Facebook ở VN phải xin phép?

Đưa ảnh lên Facebook ở VN phải xin phép?

Một nghị định về nhiếp ảnh tại Việt Nam có thể khiến việc đăng ảnh lên mạng xã hội hay website phải xin phép.
Nghị định 72/2016/NĐ-CP đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủViệt Nam viết tại điểm 9, điều 3 với định nghĩa "Triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh là hình thức phổ biến, giới thiệu, trưng bày, trình chiếu tác phẩm nhiếp ảnh, bao gồm cả triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh trên mạng internet."
Tiếp đến trong điều 11 của nghị định này ghi rõ "Tổ chức, cá nhân tổ chức triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh tại Việt Nam phải có giấy phép triển lãm do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp."
Nghị định do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký và sẽ có hiệu lực từ ngày 15/8.

'Rất vô lý'

Trao đổi với BBC Tiếng Việt, phóng viên, nhiếp ảnh gia Đoàn Bảo Châu từ Hà Nội nói nghị định khiến ông thấy “rất vô lý” và “đi ngược xu hướng phát triển của xã hội”. Ông nói:
“Thế giới chúng ta sống bây giờ là thế giới phẳng. Nhu cầu chia sẻ thông tin là một nhu cầu chính đáng và tất yếu của xã hội. Và sự tự do ngôn luận, tự do biểu đạt ý kiến cá nhân cần được động viên để đi cùng sự phát triển của xã hội."
“Thế mà tự nhiên lại xuất hiện một nghị định thế này, không phù hợp với sự phát triển của xã hội. Bởi vì nếu mà đúng làm theo nghị định này thì cứ mỗi khi chúng ta phải đưa một chia sẻ ảnh lên mạng xã hội thì chúng ta phải xin phép.”
“Tôi nghĩ theo xu hướng phát triển xã hội thì người ta cần phải cởi bỏ hơn để luồng thông tin được trôi chảy một cách thuận tiện hơn thì bây giờ người ta lại bóp lại.”
Image copyrightCHAU DOAN
Image captionBức ảnh của nhiếp ảnh gia Đoàn Bảo Châu về vụ tù nhân Đỗ Đăng Dư thiệt mạng đã gây nhiều dư luận trên mạng xã hội
Nhận định về nghị định này, ông Châu nói “Nó làm cho những người cầm máy chụp ảnh cảm thấy rất hoang mang, rất sợ một lúc nào đấy, vì một lý do nào đấy, vì một tấm ảnh nào đấy, mình hoàn toàn có thể bị gõ đầu. Do đó tôi thấy nó không phù hợp chút nào, tôi phản đối nghị định này.”
“Cứ gọi là một triển lãm đi, mà chỉ có hai, ba người xem cũng được gọi là triển lãm. Hoặc là ông gọi là một sự chia sẻ cá nhân, mà bức ảnh hay quá, có hàng ngàn người share, thế thì cái đấy có phải là triển lãm không? Gọi là chia sẻ cá nhân cũng được nhưng sẽ có tác dụng còn hơn một cuộc triển lãm,” nhiếp ảnh gia này đặt câu hỏi.
Ông Đoàn Bảo Châu có nhiều tác phẩm từng đăng trên mạng xã hội tại Việt Nam, như bức ảnh người mẹ của tù nhân Đỗ Đăng Dư bị thiệt mạng trong tù.

'Cản trở'

Giang Phạm, một nhiếp ảnh gia trẻ chụp tự do tại Sài Gòn bày tỏ lo ngại cho "những người làm website cá nhân, các trang ảnh để mình đăng tải sản phẩm của mình lên để giới thiệu, cũng như hồ sơ của mình giới thiệu ảnh đến khách hàng".
"Hiện giờ tôi chưa rõ nghị định có hướng dẫn cụ thể nên là việc phải xin phép với bất kỳ bộ ảnh nào đó có thể ảnh hưởng đến tiến độ mình làm việc với khách hàng cũng như ảnh hưởng đến cơ hội khách hàng tiếp cận mình hạn chế," anh nói.
“Nhiều triển lãm của những nhiếp ảnh gia trẻ hay người chơi tự do thường được thực hiện qua internet, do vấn đề kinh phí rẻ hơn và công chúng tiếp cận tác phẩm của họ dễ dàng hơn. Nếu nghị định này thành hiện thực và đi vào cuộc sống thì nó vô tình cản trở tác giả trẻ và người chơi đến với công chúng,” Giang Phạm bày tỏ lo lắng về nghị định này.
Giang Phạm hiện sinh sống bằng nghề chụp ảnh cho các dự án của các tổ chức phi chính phủ, chụp và bán ảnh trên iStock, Getty. Nhiếp ảnh gia này chủ yếu tự quảng bá bản thân qua các bộ ảnh anh chụp và đăng tải trên các trang web, mạng xã hội.
“Tôi nghĩ nghị định chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tự do chia sẻ, nhưng phải xem giới hạn thế nào. Tôi hiểu những người đặt ra quy định họ sợ những ảnh vi phạm thuần phong mỹ tục. Vấn đề là luật chưa rõ ràng. Và để tránh giảm thiểu tác động, tôi mong đợi rõ ràng hơn và có những cách thức hợp lý hơn thay vì đưa ra quy định như vậy.”
Image copyrightGIANG PHAM
Image captionVới người chụp ảnh trẻ và thường tự giới thiệu mình trên mạng xã hội, Giang Phạm lo lắng nghị định sẽ "cản trở"
“Cơ quan quản lý suy nghĩ lại để đưa ra những nghị định phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội, để thúc đẩy xã hội tiến lên, thúc đẩy người cầm máy có cảm hứng, sự tự do để làm việc. Chứ không phải mang ra một thứ bó buộc nhau, sẽ rất hạn chế cho sự phát triển của nhiếp ảnh,” phóng viên ảnh Đoàn Bảo Châu nói.

Facebook cũng là triển lãm?

Trong một phỏng vấn với báo Tuổi Trẻ sáng 14/7, Cục trưởng Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm Vi Kiến Thành nói "Nếu đăng ảnh cá nhân lên Facebook thì không được coi là triển lãm mà chỉ đăng ảnh dưới hình thức triển lãm trên mạng mới thuộc phạm vi điều chỉnh và phải xin phép.
Nếu chỉ đăng một vài ảnh chơi thì đó là việc cá nhân. Còn nếu đăng ảnh trên mạng Internet mà hình thức như một triển lãm thì phải xin phép”.
Ông Thành cũng giải thích: “Triển lãm ảnh trên mạng Internet có thể hiểu là người ta lập ra website, các nghệ sĩ nhiếp ảnh gửi ảnh đến đó và mọi người đều có thể truy cập vào website đó để xem ảnh thì được coi là hình thức triển lãm ảnh trên mạng Internet.
Tương tự như vậy, nếu trên Facebook mà họ tiếp nhận tất cả các nguồn ảnh của mọi người gửi đến và mọi người đều có thể xem được ảnh thì cũng là hình thức triển lãm ảnh trên Internet”."
Với nhiều nhiếp ảnh gia tại Việt Nam, lập một website đăng tác phẩm để làm hồ sơ cho khách hàng tham khảo là việc làm khá phổ biến.