'Brexit, khi người tình dứt áo ra đi'

'Brexit, khi người tình dứt áo ra đi'

Ngày 23/06/2016 là một ngày khó quên với Liên hiệp Châu Âu. Mỗi công dân EU đều sẽ phải ưu tư về tương lai. Sau Brexit, họ đứng trước câu hỏi, tại sao cần có một mái nhà chung như thế?
Nước Anh ra đi chấm dứt cuộc chung sống 43 năm. Một đám cưới vàng đã không có cho một cuộc tình ‘toan tính’ bởi phép cộng trừ, thay bằng đắm say cùng nhìn về một hướng.
Điều đó đã được báo trước? Ai đã xui khiến chọn tổ khúc ‘Cho những người bạn’ của Beethoven trong bản Giao hưởng số 9 làm quốc ca Liên Minh châu Âu? Bản Giao hưởng còn có tên là ‘Giao hưởng Định Mệnh’. Phải chăng chính những vần thơ được Frédéric Schiller viết và ông già Beethoven trăng hoa phổ nhạc đã tiên đoán ngày chia ly hôm nay?
"O Freude, nichts diese Töne"
"Sondern lässt uns angenehmere anstimmen"
( Ồ, các bạn, hãy đừng dùng cung bậc như thế.
Hãy để chúng ta hoà thuận yên ấm nhau hơn.)
Thủ tướng Anh đã nhầm khi đưa ra sáng kiến về một cuộc trưng cầu dân ý? Cũng như một kẻ chơi cá cược đã đặt con bạc lên tới 3,5 triệu Bảng chỉ trước đó một ngày vào cửa Brexit không thể xảy ra?
Image captionThủ tướng Cameron từ chức sau khi người dân Anh bỏ phiếu chọn rời khỏi EU
Kẻ đánh cược mất tiền và ông David Cameron mất ghế. Song cái mất nhìn thấy đó chưa thấm vào đâu. Ngay cả việc tháp Big Ben chui tụt vào lòng đất hay toà Nghị viện tráng lệ với những chiếc tháp nhọn mầu trắng bên dòng sông Tamise bị sóng thần cuốn ra biển cũng chưa hẳn ngang ngửa với những biến động có sức lan toả dữ dội, tác động đến toàn cầu của Brexit. Chỉ sau một đêm, giao dịch quốc tế bốc hơi 3000 tỷ Euro . Một con số ấn tượng. Như ba năm nước Mỹ biến khỏi địa cầu, với nền kinh tế cho ra 1000 tỷ một năm.
Cơn hoang mang, mất phương hướng của con tầu nước Anh không có thuyền trưởng là một kịch bản chưa lường hết thảm họa. Ngọn núi lửa vần vũ cựa mình, phun trào đầy khói xám và tro bụi vẫn chưa cho biết dòng nham thạch nóng rực và thiêu đốt sẽ chảy về đâu. Nhưng không gì ngăn cản nổi thời điểm ấy sẽ đến.
Điều tệ hại là kẻ thắng và người thua trong Brexit đều lúng túng và hoảng loạn trước con ngáo ộp mà cả hai phía vô tình cùng tạo nên. Thủ tướng David Cameron tiên đoán với cuộc trưng cầu dân ý, ông sẽ có một điểm tựa vững chắc để làm mình, làm mẩy hơn nữa với Brussels. Trò đi dây của gánh xiếc Cameron đẩy thủ tướng Anh xuống vực. Cùng với Brexit, những nỗ lực Vương quốc Anh cam go đạt được chín tháng trước với Đức và Pháp về những điều khoản ưu đãi nếu Anh ở lại EU trôi ra sông, ra biển.
Chắc không ai muốn ở vị trí của David Cameron trong cuộc gặp gỡ mới đây ở Brussels, khi phải nghe tổng thống Pháp François Holland nói đến từ ‘trách nhiệm‘ còn Chủ tịch Ủy Ban châu Âu Jean-Cleaude Junker thì nhăn mặt, thẳng thừng yêu cầu nước Anh tiến hành thủ tục biến nhanh cho khuất mắt. Khi các cấp lãnh đạo châu Âu họp thì David Cameron bị mời ra khỏi phòng.
Image copyrightAFP
Người đi cùng với thủ tướng Anh, đại diện cho ‘bên thắng cuộc‘ của đảng UKIP hoài nghi về châu Âu, Nigel Farage được đón với câu hỏi gây sốc ‘đến đây để làm gì’.
Cựu thị trưởng London, Boris Johnson từ chối ra tranh chức thủ tướng. Lẽ ra với chiến thắng Brexit sẽ rộng đường cho chiếc nghế này. Boris Johnson đã mất can đảm đi tiếp con đường mà chính ông đã chia vương quốc Anh ra làm đôi và sự tan đàn xẻ nghé với Scoland đang đặt trên bàn. Boris Johnson và những người tuyên truyền cho Brexit đã chọn cách lùi bước.
Kịch bản kinh dị ‘hậu Brexit‘ không một ai trong họ trù tính đến. Con ngáo ộp họ muốn tạo ra để dọa châu Âu đã vùng ra không kiểm soát nổi, trở lại xiết nghẹt chính những kẻ tạo ra nó.
Đây là điều khó nuốt trôi. Vì tầng lớp xuất sắc, những người nhanh nhẹn, năng nổ, sử dụng Smart-phone, chơi cổ phiếu, mùa đông đi trượt tuyết và mùa hè cưỡi du thuyền trên biển không nghĩ rằng ở Vương quốc Anh còn quá lớn sức ỳ và nỗi lo sợ. Thực sự có một nứt gẫy sâu rộng giữa người già và lớp trẻ. Nếu 84% lứa tuổi sinh viên bỏ phiếu coi Châu Âu là tương lai, thì đa số cử tri ở lứa tuổi từ 65 trở lên (78%) nghĩ ngược lại.

Lớp trẻ nghĩ gì về châu Âu?

Image copyrightEPA
Image captionGiới trẻ ủng hộ Anh ở lại EU
Mới bước vào đời, không ai không nghĩ cho mình một bến đậu. Những câu hỏi sẽ là gì đây. Hành trang của họ là kiến thức, sự hiểu biết và đam mê sáng tạo.
Mảnh đất rộng lớn gồm 28 ( hay 27+1) quốc gia là tiềm năng vượt trội trong tương lai? Nửa tỷ người với nền văn minh phát triển thừa đủ khả năng cất cánh vượt qua ' Đế quốc Trung Hoa 'lắm người, thiếu chất‘? Đứng thứ bảy về diện tích, EU có PIP là 34.000 Euro tính theo đầu người. Một con số thuyết phục. Và họ những người với mảnh bằng gặt hái được ở Berlin, Paris hay London có thể tìm việc làm dễ dàng tại München bên cạnh dặng Alpen tuyết phủ hay ở Bacelona có những cô gái da nâu và cát ấm của bãi biển Catalogne.
Họ biết mua trên Internet chiếc vé Eurostar nối Brussels - London trong vòng 1 tiếng, và Paris sau 1 tiếng 51 phút chỉ với giá tiền là 1/3. Châu Âu với đường hầm xuyên biển chưa bao giờ gần London đến như thế. Những trái cam ngọt ngào của Tây Ban Nha, những hầm rượu vang ở Bordeau, Chablis, những bông hoa rực rỡ của Amsterdam sẽ là những chấm phá tươi sáng đối nghịch với màn mưa dăng dăng bên ngoài cửa sổ? Và nếu ông Putin một ngày khó ở muốn cạnh khoé, ông ta sẽ phải triệu tập cả bộ sậu đo đếm xem tuyên chiến với Hy Lạp có phải là sẽ đánh nhau với 27 nước không. Còn ông Tập Cận Bình sẽ gẩy bàn tính mơ mộng lách chân vào thị trường có sức mua hơn cả tỷ dân của ông?

Những người già suy nghĩ gì?

Image captionNgười nhập cư là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người bỏ phiếu để Anh rời khỏi EU
Họ coi đó là sự ngông nghêng coi 'biển chỉ nông đến đầu gối' của lớp trẻ?
Họ còng lưng trả tiền thuê nhà vào cuối tháng và giấc mơ mua nổi một căn hộ đã lên giá đến 100, 200 thậm chí 500 lần thật xa vời. Họ là những người hàng ngày nhìn thấy chiếc xe bus mầu đỏ bắt mắt với khẩu hiệu nhấc phần đóng góp 350 triệu Bảng dành cho châu Âu lên bàn cân dành cho chương trình Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS).
Đó là những người về hưu đã để sức khoẻ ở phía sau, chẳng còn giấc mơ vá trời của tuổi trẻ. Họ chỉ thấy đồng lương hưu ngày càng teo tóp và ác mộng bên cạnh nhà sẽ là một gã với một đàn con đông đúc và một bà vợ trùm kín từ đầu đến chân. Họ nhìn thấy một ông thị trưởng London là người Hồi giáo và đối với họ đó là sự mở đầu của một sự kết thúc? Họ đã là thành phần năng nổ nhất trong ngày 23/06 u ám.

Thiếu ý thức công dân?

Image copyrightAFP
Image captionNgười dân biểu tình phản đối Anh ra khỏi EU
Kết quả đi hay ở cách nhau chỉ bốn điểm. Một khoảng cách mỏng manh. Sự thiếu ý thức chính trị về quyền công dân đến gần một nửa giới trẻ trong độ tuổi 18-34 không đến phòng phiếu đã làm lệch cán cân cho phe "Ra khỏi".
Sức ỳ đã thắng và triết lý phòng ngự vẫn là chìa khoá cho mọi thắng lợi của nước Anh. 50 %ớp trẻ đã làm gì ngày 23/06?
200 năm trước, Wellington (1798-1852) đã thắng Napoleon Bonaparte tại Waterloo. Wellington đã chọn cho mình một chiến lược núp kín dưới chiến hào trên ngọn đồi Sư tử và chờ viện quân của tướng Phổ. Vị tướng này biết rằng nếu nhô đầu ra đánh nhau thẳng thắn với đội quân dù chỉ mới tập hợp lại chưa đủ 100 ngày của thiên tài quân sự Napoleon, quân đội Anh sẽ bị nghiền nát như đã bị tan tành mấy ngày trước đó tại Ligny (16/06/1815). Quân Pháp triển khai từ đội hình phòng ngự sang phản công chỉ mất 1 phút 34 giây. Còn quân đội Anh con số đó là 3 phút 47. Và 7 tiếng chậm trễ của loạt súng khai hỏa đã cứu Wellington.
Định mệnh đã giành cho thống chế Anh tràn trề may mắn. Những cơn mưa u ám, rầu rĩ trên bầu trời nước Bỉ năm đó, nơi chỉ cách không xa những vòm kính sáng choang của Nghị viện châu Âu hôm nay đã cho Wellington cơ hội không bị nghiền nát bởi những khẩu đại bác danh giá nước Pháp. Và cú đánh thọc sườn vào những phút cuối của tướng Phổ Bulow đã thay đổi vận mệnh, trao cho Wellington vòng nguyệt quế chiến thắng. Waterloo vào ngày 18/06 và Brexit ngày 23/06.
Image copyright
Image captionNgười dân Anh bỏ phiếu ra khỏi EU
Lịch sử đã lật sang trang mới. Bây giờ những hậu duệ của tướng Phổ Bulow đã ở hàng ngũ của người Pháp. Họ vẫn như thế, hào hiệp và cứng rắn. Nước Đức đã hy sinh đồng DM mạnh thứ ba thế giới để hội nhập hoàn toàn vào EU. Nước Pháp thì cũng mất 30 năm thịnh vượng để cùng Đức kéo đoàn tầu châu Âu trên bờ vực chênh vênh. Một năm qua, Pháp đã tạo ra 85 thứ thuế mới đánh vào người dân nước mình. Một người thu nhập 1 triệu € phải đóng thuế tới 75%. Robin Hood của rừng Sherwood nước Anh cũng không vào được tất cả các pháo đài của những lãnh chúa để lấy của nhà giàu chia cho người nghèo như thế.
Bây giờ người Pháp lại dẫn ra những lời trong diễn văn dài đến 1:22:42 của tướng Charles de Gaulle (1890-1970), ngày 14 tháng Giêng 1963 về việc phủ quyết đề nghị của Anh xin gia nhập thị trường chung Châu Âu. Những lời nói nặng nề từ một người đã sang London tỵ nạn năm 1940, khi những chiến xa Đức tiến vào Paris. Ông quên thủa hàn vi?
Chắc hẳn không phải nụ cười nửa miệng của nhân viên an ninh ở cửa khẩu kiểm tra làm phật lòng người sẽ trở thành Tổng thống Cộng hoà thứ năm nước Pháp, hay việc nhân viên lễ tân đài BBC ngày 18/06/1940 quên không rót cho ông cốc nước trước bài diễn văn kêu gọi dân tộc Pháp đứng lên sau thất bại.
Ông đã dùng những từ mà một nhà ngoại giao nào uống mật gấu cũng sẽ lúng búng trong miệng không muốn uốn lưỡi: ‘một gian manh Albion và một con ngựa thành Trojan của Hoa Kỳ‘, ‘cho ít mà đòi nhiều‘ để nói về nước Anh.
Cuộc hôn nhân đã úa tàn, nhưng sự chia ly mới là điều đáng nói. Thế giới tuy thay đổi, nhưng trong cuộc chơi đầy ảo ảnh đến chóng mặt đó thì những vấn đề gây tranh cãi vẫn luôn là thế : Đó là chủ quyền quốc gia, quan hệ với Washington và dĩ nhiên mối liên hệ với lục địa, kết quả của sự tính toán hơn là tình cảm.
Image captionAnh bỏ phiếu ra khỏi EU, nhưng London bỏ phiếu ở lại EU
Nước Anh đã theo Mỹ lao vào cuộc chiến Iraq mà bây giờ hậu quả thế nào ai cũng rõ. Nhà nước Hồi giáo IS nẩy sinh và những dòng người di tản tràn ngập châu Âu có phải từ thái độ vô trách nhiệm của các cường quốc? Nước Pháp của Jacques Chirac đã nói không với cuộc can thiệp vô ích và hệ lụy.
Tổng thống Jacques Chirac cũng là người không biết mặt ngang mũi dọc của ‘con chuột‘ (souris) trên chiếc máy tính. Người Pháp đã cười vào mũi ông khi ông đặt câu hỏi trước câu gà của phụ tá về ‘con chuột nào‘ trong Hội chợ triển lãm hàng điện tử ở Paris.
Ông cũng thuộc lớp tuổi như Charles de Gaulle, cũng thuộc lớp tuổi của những người dân Anh bên kia biển Manche bỏ phiếu chia tay với châu Âu.
Cũng cần phải tới hai năm nữa sau khi kích hoạt điều khoản 50, chính thức tách Anh ra khỏi vòng quay của EU câu trả lời mới trở nên rõ ràng. Ai đúng đây?
Bây giờ Adelle mũm mĩm hát ‘Skyfall‘ (Trời sập) về nỗi đau người tình dứt áo ra đi.
Song một điều chắc chắn, cô gái Ba Lan tóc vàng gầy còm hôm nay, với chiếc áo rộng thùng của nàng Cosette trong tác phẩm ‘Những người khốn khổ“ của Victo Hugo với thời gian sẽ trổ mã thành một thiếu nữ kiều diễm. Và châu Âu sẽ chọn một bản Mazurka cho điệu luân vũ? Có ai giầu ba họ, có ai khó ba đời bao giờ.
Tạm biệt nước Anh với chiếc dù.
Bài viết thể hiện văn phong của tác giả, một nhà báo tự do ở Pháp.