[caption id="attachment_1094" align="aligncenter" width="612"] Dịch vụ thiết kế CV[/caption]
1. CV của tôi có cần phải đẹp long lanh, thiết kế ấn tượng không ?
Làm nhân sự nhiều tôi nhận ra rằng mỗi nghề mỗi ngành sẽ có đặc trưng riêng, ASK (năng lực)riêng. Và những cái riêng đó tạo nên con người làm trong từng lĩnh vực. Và cũng chính như thế, nó tạo nên cách nhìn của người trong nghề về CV của những người ứng tuyển trong nghề. Việc viết một CV như thế nào, mẫu ra sao thì trên mạng có rất nhiều.
Đọc nhiều nên có bạn bị ngộ. Các bạn lúc nào cũng phải nghĩ CV thật đẹp. CV thật lạ. CV thật ấn tượng. Điều đó chỉ đúng với một số lĩnh vực trong đó là Marketing, sale …. Theo tôi một bản CV ok là một bản CV sạch sẽ, gọn gàng và có chăm chút. Tức là có design để tâm nhưng không đến mức là phải lạ, hay ấn tượng.
2. Không có kinh nghiệm giờ làm thế nào?
“Những tân cử nhân khi đi xin việc thường có một lo lắng chung đó là cụm từ “kinh nghiệm” được đưa ra trong các bản yêu cầu của nhà tuyển dụng. Đặc biệt, vào thời buổi “cung nhiều hơn cầu”, yêu cầu về kinh nghiệm trở thành cản trở những người mới trong thị trường lao động vươn tới công việc “trong mơ” của mình.
Nhưng bạn nên nhớ rằng, các nhà tuyển dụng thừa hiểu trong thị trường lao động có rất nhiều người mới không có kinh nghiệm hoặc có ít kinh nghiệm, và điều họ kì vọng đó là những người trẻ tuổi dám thể hiện bản thân, đây là bước đầu là thể hiện một nhân viên tự tin trong tương lai.”
Đoạn trích dẫn này đúng nhưng tôi thì tôi vẫn thích có kinh nghiệm hơn. Thú thực là làm việc với nhiều bạn không có kinh nghiệm, phải hướng dẫn từng tí mệt lắm. Không những thế các bạn còn phản ứng lại khi mình hướng dẫn nữa. Vì thế để ít nhất qua vòng đọc hồ sơ thì bạn vẫn nên biết cách để làm cho HR thấy rằng bạn có kinh nghiệm.
Kinh nghiệm với tôi là: Thực tế những gì bạn đã trải qua. Vậy thực tế đó là gì. Đó là : kỹ năng + trải nghiệm công việc. Nghề nào thì kỹ năng và trải nghiệm nấy. Nhân sự hay marketing cũng vậy.
Kinh nghiệm = trải nghiệm khi làm các công việc bao gồm cả có trả công và không trả công (tình nguyện).
Và khi ghi kinh nghiệm như vậy, bạn nên ghi rõ những trải nghiệm và các kết quả bạn đạt được với từng công việc cụ thể.
Công việc tình nguyện: 2010- 2011:Thành viên ban event của Câu lạc bộ Tiếng Anh (EC) của Khoa Quản lý lao động, Trường Đại học Lao động – Xã hội.
Công việc:
- Lên kế hoạch tổ chức các chương trình của EC.
- Tham gia vào chuẩn bị, tổ chức các chương trình, tổ chức các buổi debate, thuyết trình, trò chơi,…
- Phỏng vấn, tuyển các thành viên mới cho EC.
Công việc có trả công: 11/2012 – Nay: Trợ lý dự án Khảo sát lương 2013
Công việc:
- Tham gia khóa đào tạo hội nhập công việc nhân sự tại Vinatest (Cách lập báo cáo và kế hoạch làm việc, xây dựng quy trình quản trị nhân sự tổng quát và chi tiết về tuyển dụng, đánh giá thực hiện công việc, đào tạo, phát triển, xử lý vi phạm, xây dựng bản mô tả công việc, tuyển thành viên tham gia dự án, lọc
CV, cách sử dụng email chuyên nghiệp, sử dụng các công cụ hỗ trợ văn phòng: máy in, photo, máy chiếu,..)
- Tìm hiểu các vấn đề về Khảo sát lương ,bảng cấp bậc nhân sự Vinasa, các vân đề về lương, thưởng, cơ cấu tổ chức ngành, các vị trí làm việc, hệ thống bản mô tả công việc, cách xử lý số liệu,…)
- Lên kế hoạch thực hiện dự án. Mời khách tham gia dự án
- Giải đáp các vấn đề thắc mắc của khách hàng, thu thập và xử lý dữ liệu.
- Quản lý nhóm thành viên dự án, xây dựng nội quy hoạt động.
Bạn thấy đấy, việc ghi rõ, chi tiết ra chúng ta sẽ thấy được CV sáng giá hơn thế nào.
3. Kỹ năng mềm là gì ?
Giao tiếp nhiều, tôi nhận ra 1 điều rằng, các bạn sinh viên cứ một mực nghĩ rằng đi học một cái gì đó tức là họ có kỹ năng đấy. Ví dụ đi học một lớp giao tiếp tức là họ có kỹ năng giao tiếp. Tôi thì không cho rằng như vậy. Bạn đi học một lớp kỹ năng giao tiếp tức là bạn có kiến thức về kỹ năng giao tiếp. Còn việc bạn có kỹ năng hay không nó dựa trên trải nghiệm bạn có.
Vì thế hãy thận trọng những gì bạn viết về kỹ năng. Bạn viết là có kỹ năng word mà cái thiết kế CV của bạn lung tung, căn hàng không đúng, chữ lúc thì Font vntime, lúc thì là tahoma. Vậy thì bạn có kỹ năng gì ? Chả có gì cả. Vậy nên kỹ năng của bạn phải là những thứ bạn thấy tốt và tự hào, là những kỹ năng đặc biệt của bản thân mình, như khả năng lắng nghe, tập trung tốt, kỹ năng giao tiếp…
Khi bạn viết về kỹ năng nên để ý yêu cầu tuyển dụng, công việc nào cần kỹ năng đó. Bạn chỉ nên viết những kỹ năng phù hợp với công việc thôi nhé.
4. Học vấn – kiến thức thì viết thế nào ?
Ngoài chuyện liệt kê bằng cấp, bạn có thể lấy thêm điểm cho CV của mình bằng cách bổ sung thông tin về học bổng (nếu có), các hoạt động chuyên môn ngoại khóa, hoặc các tiểu luận nghiên cứu khoa học, nhất là nếu bạn có dịp hỗ trợ các giảng viên/giáo sư thực hiện một số đề tài nghiên cứu… Đừng bỏ qua bất kỳ thành tích nào, dù trong mắt bạn, có thể đó chỉ là chuyện nhỏ.
Tức là bạn nên thêm vài dòng thông tin học bổng nếu có, nhưng chú ý là phải liên quan đến công việc bạn ứng tuyển. Ngoài ra có 1 số bạn hơi thiếu chất linh hoạt khi cứ bê nguyên cả tên trường tên khoa vào CV trong khi tên khoa chả liên quan gì đến công việc cả. Bạn nên viết tên chuyên ngành nếu như chuyên ngành của bạn phù hợp với vị trí bạn ứng tuyển. Ví dụ:
- Cử nhân Quản trị nhân lực, Đại học Lao động – Xã hội
- Thành tích đạt được:
+ Đạt học bổng thường kỳ của Đại học Lao động – Xã hội dành cho sinh viên khá ở kì thứ 2 năm thứ 2 và kì 2 năm thứ 3.
+ Điểm trung bình học tập tính đến cuối năm thứ 3: 7,25.
+ Nhận bằng khen của trường Đai học Lao động – Xã hội dành cho sinh viên loại khá năm học 2011- 2012.
+ Đạt được kết quả tốt ở một số môn học như : Kế toán tài chính 1: 9,0 ; Quản trị nhân lực 2: 9,0. Tiền lương tiền công: 8,0; Tiếng anh chuyên ngành 2 và tiếng anh chuyên ngành 3: 8,0.
5. Chốt cuối cùng là CV phải thật
Làm nhân sự là phải biết phát hiện ứng viên nói dối hay không ? Vì đây là nghề là nghiệp. Giao tiếp nhiều tự nhiên chúng ta sẽ biết cách nắm bắt tâm lý, biết cách nhìn người. Ai cũng nói vậy, và ai cũng hỏi vậy … Nhân sự phải luôn giỏi chuyện tâm lý và giỏi cả chuyện bắt bài người khác. Do vậy, khi một CV đã qua vòng hồ sơ nhưng nó không thật thì cuối cùng cũng bị loại.
Mà khi đã bị loại do không thật thì thật khủng khiếp.
Các Hr giờ đây network rất mạnh. Họ có thể check lại thông tin và truyền thông tin cho nhau một cách nhanh chóng. Vì thế bạn nên cẩn thận.
Chúc các bạn ok với CV của mình!
Nguồn: blognhansu.net
Social Plugin